Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những loại thuốc nào dùng chữa nhiệt miệng?

Những loại thuốc nào dùng chữa nhiệt miệng?

Có rất nhiều thuốc chữa nhiệt miệng dù không thể chữa khỏi hẳn, việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh.
Loét miệng aphthe (hay dân gian thường gọi là “nhiệt miệng”) là bệnh thường gặp. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng nó làm cho bệnh nhân đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống.
Loét aphthe là một bệnh không lây truyền, thường gặp ở phía trong miệng. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có đề cập đến vấn đề môi trường và di truyền, nhưng chưa được chứng minh. Ngoài ra, chấn thương miệng, rối loạn nội tiết do chu kỳ kinh nguyệt, stress, uống thuốc (bao gồm các thuốc kháng viêm như ibuprofen và các thuốc beta-blocker như atenolol), dị ứng với thực phẩm (chocolat, cà chua, hạt dẻ, các loại thực phẩm có vị chua như dứa và các chất bảo quản thực phẩm như benzoic acid và cinnamaldehyde), sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate, thiếu sắt, folic acid, hoặc vitamin B12, một số bệnh ở đường tiêu hóa… cũng được coi là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Điều trị loét aphthe
Dù không thể chữa khỏi hẳn nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp giảm bớt triệu chứng, giảm khả năng tái phát và kéo dài thời gian không bị bệnh. Có thể sử dụng một số thuốc sau đây:
Nitrate bạc: Bôi trực tiếp lên tổn thương. Đã có những nghiên cứu ngẫu nhiên về hiệu quả của thuốc. Thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3 - 5 ngày. Nhiều bệnh nhân không thích cảm giác nóng miệng sau khi bôi thuốc nhưng rất hài lòng khi hết đau hoàn toàn sau vài giờ.
Debacterol là phức hợp phenol sulfonate với sulfuric acid có tác dụng tương tự nitrate bạc. Đây là một hình thức đốt tiêu hủy vết loét bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Thuốc bán theo toa và chỉ được dùng bởi nha sĩ hoặc bác sĩ. Thuốc chỉ được bôi 1 lần mỗi ngày.
Thuốc chỉ cung cấp theo toa bác sĩ nếu bệnh nhân chưa bớt sau khi sử dụng các thuốc thông thường:
Kem bôi có chứa triamcinolone acetonide: Thuốc được bôi ngày 3 lần, tốt nhất là sau bữa ăn chính và trước khi đi ngủ.
Amlexanox (aphthasol): Bôi ngày 4 lần, sau khi ăn và trước lúc ngủ. Chưa có nhiều bằng chứng về khả năng nhanh chóng làm giảm đau và lành loét của thuốc.
 Dung dịch tetracycline (achromycin, nor-tet, panmycin, sumycin, tetracap) dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
 Gel lidocaine: Gel 2% lidocaine bôi chỗ loét ngày 4 lần. Tránh nuốt thuốc sau khi bôi và không nên dùng quá 4 lần mỗi ngày để tránh độc tính.
Dung dịch sucralfate (thường được dùng trong loét tiêu hóa): Còn ít nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng sucralfate cho loét aphthe. Thường dùng bằng cách ngâm 1 viên thuốc vào 5-10ml (1-2 muỗng cà phê) nước. Bôi đều dung dịch lên niêm mạc miệng, để thuốc thấm vài phút rồi nhổ ra. Thực hiện 4 lần trong ngày.
Có thể dùng bổ sung nếu cơ thể người bệnh thiếu hụt folic acid, sắt hoặc vitamin B12. Cần uống nhiều tháng để tình trạng cải thiện.
 Chlorhexidine (cyteal, eludril): Dung dịch súc miệng sát khuẩn giúp mau lành loét.
Corticosteroid: Đối với trường hợp thật nặng, bác sĩ có thể xem xét cho dùng corticosteroid đường uống sau khi cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, suy giảm miễn dịch, xương giòn dễ gãy, tăng tiết acid dẫn đến loét dạ dày…
Thalidomide (thalomid): Trường hợp bị bệnh rất nặng, bác sĩ có thể xem xét dùng thalidomide. Tuy nhiên do gây ra nhiều tác dụng phụ, thuốc chỉ được FDA chấp thuận sử dụng cho loét aphthe nặng ở bệnh nhân HIV dương tính.
Các thuốc có tiềm năng điều trị khác: Gồm các thuốc đã được dùng trong nhiều thử nghiệm như colchicine, pentoxifylline (trental), interferon, cimetidine (tagamet), clofazimine (lamprene), các tác nhân đối kháng TNF-a, infliximab (remicade), etanercept (enbrel), levamisole (ergamisol) và dapsone. Một số thuốc trong danh sách dài trên đây khá đắt tiền, gây nhiều phản ứng phụ nhưng lại chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Lưu ý: Để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng giống loét aphthe, bệnh nhân cần đi khám bệnh ngay nếu: đó là đợt phát bệnh đầu tiên và chưa chắc chắn về mặt chẩn đoán; đau ngày càng nhiều và không kiểm soát được; bệnh nhân có tiêu chảy (có thể người bệnh đã mắc một bệnh hệ thống như bệnh Crohn hoặc bệnh viêm loét đại tràng); có những ổ loét ở vị trí khác ngoài miệng (có thể bệnh nhân đã mắc một bệnh hệ thống như hội chứng Behcet hoặc một bệnh lây truyền qua đường tình dục);  đối với các vết loét kéo dài trên 3 tuần.
Làm gì để phòng bệnh?
Nên tránh tất cả những nguyên nhân có thể gây chấn thương, dù rất nhẹ ở miệng như dùng bàn chải đánh răng hoặc các loại thức ăn cứng; tránh stress; không dùng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate nếu thường xuyên bị loét aphthe; không nên nói chuyện khi đang nhai; sửa chữa lại các bề mặt răng không đều; các yếu tố nội tiết đôi khi có thể kích hoạt một đợt bùng phát loét aphthe ở giai đoạn trước khi có kinh. Dùng thuốc tránh thai uống có thể giúp ích; bổ sung vào khẩu phần nếu bệnh nhân thiếu sắt, folic acid hoặc vitamin B12, tuy nhiên trong đa số thường hợp, điều này cũng không cải thiện tình trạng tái phát./.
Theo SKĐS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét