Viện phí chưa tăng, giá thuốc đã tăng
Người bệnh thêm lo vì giá thuốc tăng, viện phí tăng. Ảnh minh họa: Thiên Chương. |
Trong khi khung giá viện phí mới
chưa được áp dụng thì hiện nay nhiều mặt hàng thuốc đã có sự tăng giá
mạnh với tỷ lệ tăng trung bình 16% so với tháng trước. Trong đó có loại
chỉ tăng vài nghìn đồng, nhưng có loại tăng 15.000-20.000 đồng.
> Chưa áp dụng giá viện phí mới
Ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc bổ sung sắt cho
vợ, anh Nam (Hà Nội) bất ngờ khi biết loại thuốc mình vẫn mua đã tăng
giá. Trước và trong lúc mang thai, vợ anh đều uống thuốc Ferovit bổ
sung sắt và axít folic với giá 80.000 đồng một hộp. Tuy nhiên, hôm nay
đi hỏi mua thì hộp thuốc này đã lên giá 10.000 đồng.
"Theo người bán hàng thì loại thuốc này mới tăng giá
từ đầu tháng 4. Đúng là giờ cái gì cũng tăng, thi thoảng đi mua thuốc
lại thấy thuốc này tăng giá, tháng sau thì lại loại thuốc khác tăng
giá. Nói chung là thuốc chữa bệnh nên có tăng giá người mua cũng đành
chịu, đắt cũng phải mua", anh Nam cho biết.
Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt
Nam, trong tháng 4 thuốc nội tăng giá nhiều và tăng cao hơn thuốc
ngoại. Cụ thể, trong số gần 12.700 lượt mặt hàng thuốc nội thì có 65
loại tăng giá. Đáng chú ý có những loại tăng đến hơn 40% như thuốc tim
mạch Trafedin, nhỏ mắt Osla, thuốc bổ, cung cấp khoáng chất và vitamin
như Nebamin...
Một số loại có tỷ lệ tăng rất mạnh như dầu gió Thiên
Thảo tăng thêm 16.000 đồng một hộp - lên mức 120.000 đồng, thuốc Bạch
Hổ dạng hộp cũng tăng thêm đến 27.000 đồng...
So với đợt khảo sát 2
tháng trước thì giá thuốc đã có sự tăng mạnh. Thời điểm đó chỉ 23 loại
thuốc nội tăng giá và tỷ lệ tăng trung bình cũng chưa đến 10%. Trong đó, giá cũng chỉ tăng rất nhẹ, 2.000-3.000 đồng và chỉ có 2 loại thuốc tăng trên 10.000 đồng.
Bên cạnh đó, trong tháng 4 này, một số loại thuốc
ngoại cũng có tỷ lệ tăng mạnh như kháng sinh Augmentin 500mg dạng hộp
giá hiện nay là 175.000 đồng một hộp, tăng 17.000 đồng. Đặc biệt, thuốc
Stugerol tăng thêm 45.000 đồng một hộp.
Dù thế, theo Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam thì
thị trường dược phẩm vẫn tương đối ổn định bởi có mặt hàng tăng giá,
cũng có một số mặt hàng giảm giá với số lượng tăng và giảm không nhiều
và tỷ lệ tăng giá không đột biến. Thực tế thì đây đã là đợt tăng giá
thuốc thứ 2 kể từ đầu năm. Dù mỗi lần chỉ tăng giá vài loại thuốc nhưng
cũng khiến người dân không khỏi lo lắng.
Một dự báo quen thuộc của Hiệp hội doanh nghiệp dược
Việt Nam vẫn là "trong tháng tới, thị trường dược phẩm trong nước không
có tăng giá đột biến, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh
tăng hoặc giảm nhẹ. Một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể
tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng
dầu, chi phí vận tải, lương… tăng". Trong khi thực tế, khảo sát 40
lượt mặt hàng nguyên liệu trong tháng 4 vừa rồi thì chỉ có một
mặt hàng tăng giá 5,5%.
Thông tư liên tịch số 50 của liên Bộ về quản lý giá
thuốc sắp có hiệu lực được kỳ vọng sẽ là công cụ ngăn chặn tình trạng
loạn giá thuốc. Tuy nhiên dù vẫn chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ
quan quản lý nhà nước nhưng mức giá lại do các cơ sở kinh doanh thuốc
tự định giá. Như thế thì các cơ sở kinh doanh thuốc có nhiều cách
"lách" rất tinh vi.
Trong khi đó, có thể trong tháng 5-6 tới, một số bệnh
viện tuyến trung ương sẽ áp dụng khung giá viện phí mới. Trong khi đó,
giá thuốc vẫn liên tục tăng cao, đồng nghĩa người bệnh sẽ chịu một gánh
nặng kép. Trong cơ cấu chi phí dành cho khám chữa bệnh, tiền thuốc luôn
chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 60%) tổng chi phí viện phí và là gánh nặng của
nhiều người bệnh.
Phương Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét