Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Chuẩn bị cho con gái lần đầu có kinh

Chuẩn bị cho con gái lần đầu có kinh

Chị Hoàng Vân, quận 9, TP HCM vẫn còn nhớ lần dở khóc dở cười vì kỳ kinh nguyệt đầu tiên của cô con gái mình.

Khi ấy cả nhà đang đi ăn tối ở một nhà hàng, lúc gần ăn xong bé gái xin phép vào nhà vệ sinh, đợi một lúc lâu vẫn chưa thấy con quay ra, chị Vân chạy vào nhà vệ sinh gọi mãi thì phát hiện con đang khóc rấm rứt, cô bé đang hoảng hốt vì “con sợ quá, sao máu cứ chảy mãi không dừng".
"Lúc đó vừa thương con, vừa giận mình vì cứ lu bu buôn bán mà không để ý rằng con mình đã lớn mà trang bị kiến thức cũng như chuẩn bị tâm lý cho con trong giai đoạn quan trọng này", chị Vân chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, kinh nguyệt là dấu hiệu đánh dấu bé gái từ thiếu nhi thành người trưởng thành về mặt cơ thể, chứng tỏ các tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động, bé gái có chức năng sinh sản, mang thai, phát triển thành thiếu nữ.
Các bà mẹ cần luôn chia sẻ, hướng dẫn cho bé những kiến thức cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ảnh: mommyimgrowingup.com
Cần bên cạnh chia sẻ, hướng dẫn cho bé những kiến thức cần thiết để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Ảnh: mommyimgrowingup.com
Thông thường, ở giai đoạn dậy thì, bé hay có những thay đổi tâm sinh lý đột ngột, và với lần có kinh đầu tiên thì đa số các bé rất lo lắng, hoảng loạn trước sự thay đổi bất thường của cơ thể. Theo bác sĩ Thông, gia đình, nhất là những người cùng giới như mẹ, chị gái, bà... cần có sự tư vấn và chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, kiến thức cho bé.
Ở tuổi này, bé có định hướng ham muốn về tình dục có thể dẫn đến tình dục không an toàn, do đó bác sĩ Thông khuyên các phụ huynh cần giáo dục giới tính để trẻ biết cách tự bảo vệ mình, tránh bị lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Khi nhận thấy những thay đổi trên cơ thể của bé cho thấy kỳ kinh nguyệt đầu tiên sắp xuất hiện như ngực, cơ quan sinh dục bắt đầu phát triển, bé phát triển chiều cao nhanh... thì cần phải tư vấn cho bé hiểu về kinh nguyệt.
Cần giúp bé hiểu rằng đây là một hiện tượng bình thường và là điều tuyệt vời của cơ thể người phụ nữ. Giai đoạn bé có khả năng xuất hiện kinh nguyệt, các bà mẹ không truyền đạt những suy nghĩ tiêu cực theo kiểu "đây là thứ phiền phức và đáng ghét" vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt của mình, làm cho bé hoang mang. Nên cho bé biết rằng, vài tháng trước khi bé có kỳ kinh nguyệt đầu tiên, có thể xuất hiện dịch lỏng màu trắng ở cơ quan sinh dục, điều này rất bình thường và trấn an để bé không phải lo lắng.
Nên có sự hướng dẫn và chuẩn bị các vật dụng cần cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bé. Rất có thể bé không ở bên cạnh mẹ khi hành kinh lần đầu, do đó cần chỉ cho bé cách sử dụng băng vệ sinh, sự cần thiết phải thay đổi băng vệ sinh nhiều lần trong ngày, đặc biệt là khi máu thấm nhiều.
"Các cô giáo ở năm cuối tiểu học, năm đầu trung học cần quan tâm đến các biểu hiện của bé gái, cần có hướng dẫn để bé không phải lo lắng trong trường hợp bé xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên ở trường", bác sĩ Thông lưu ý.
Cần trang bị cho bé cách thức giữ vệ sinh để tránh bị viêm nhiễm âm hộ do vệ sinh không đúng cách, vẫn cho bé tắm giặt bình thường, không cử nước, cử gió, nên làm việc nhẹ, không tập các môn thể thao nặng nề, không bơi lội, cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tinh thần thoải mái.
Mỗi tuần nên cho bé uống 1 viên sắt bổ sung và tăng cường dinh dưỡng nhiều chất sắt như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, cá thu, cá ngừ, trứng, đậu, vừng.... để giúp bé tránh bị thiếu máu, xanh xao.
Một số điều cần biết:
- Vòng kinh bình thường khoảng 28 -30 ngày. Tuy nhiên có những người xê dịch khoảng từ 22 đến 35 ngày. Thông thường thời kỳ hành kinh kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Máu kinh không đông, chỉ hơi tanh, không có mùi hôi.
- Tuổi bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt khoảng 11 đến 18 tuổi. Sẽ có số ít bé gái lọt ra ngoài khung tuổi này, tức là dậy thì sớm hay dậy thì muộn. Nếu bé có những dấu hiệu thứ phát dậy thì, tức là cơ quan sinh dục phát triển, hệ thống lông ngực phát triển nhưng vẫn vô kinh thì cần lưu ý đến cơ quan y tế để được thăm khám.
- Ở những chu kỳ đầu tiên do hoạt động của buồng trứng, của hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh nên những vòng kinh đầu đời chưa đều đặn, bé không phải lo lắng nhiều với những trường hợp này.
- Một số tình trạng kinh nguyệt bất thường hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt mà bé có thể gặp phải: rong kinh (trên 7 ngày), kinh ít (chỉ ra 1-2 ngày), kinh thưa (2-3 tháng/ 1 lần), kinh mau, thống kinh (đau bụng), băng kinh (trên 150ml/ chu kỳ). Cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị, để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của bé. Với những trường hợp bé bị băng kinh thì nên được đưa đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt, tránh tình trạng vì thiếu máu nặng mà phải truyền máu gây tốn kém và khiến cho việc chăm sóc, điều trị phức tạp hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét