Dễ tàn phế vì cấp cứu chậm tắc động mạch chi cấp tính
Ông Hà (Đồng Nai) đang đi ăn giỗ ở nhà người quen trên TPHCM thì chân trái bị đau đột ngột, sau đó tím tái, đau dữ dội và chân trở nên lạnh, tê không còn cảm giác, mạch máu không đập.
Người nhà chuyển ông vào bệnh viện, ông được chẩn đoán
tắc cấp tính động mạch chân do huyết khối cấp và đã may mắn được cấp
cứu mổ lấy huyết khối để thông mạch chi kịp thời.
“Các bác sĩ bảo nếu tôi đến trễ thì có thể phải cắt
cụt chân. May là ở đám giỗ đông người, lại đang trên thành phố chứ nếu
để ở quê chắc tui cứ nghĩ là đau xương khớp bình thường, hoặc chạy chữa
thầy lang như mọi lần thì chưa biết ra sao nữa”, ông Hà cho biết.
Triệu chứng của tắc mạch máu cấp tính dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp. Ảnh: arizonafootdoctors.com |
Theo bác sĩ Lê Phi Long, Trưởng Phân khoa Lồng ngực Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, tắc động mạch chi cấp tính là một cấp cứu ngoại khoa. Điều trị cấp cứu thất bại, sẽ đồng nghĩa với phẫu thuật cắt cụt chân.
Trên thực tế tắc mạch chi cấp
tính cũng có triệu chứng khá giống với thoát vị đĩa đệm: người bệnh cũng
đau nhức chân đột ngột và nhiều, đi khập khiễng, chân cũng tê bì như
ngâm nước lạnh, dị cảm như có kiến bò, và nếu nặng có thể yếu hay liệt
chân. Tuy nhiên, đau do tắc mạch cấp hầu như không đáp ứng với thuốc
giảm đau chích hay uống. Mặt khác, nếu chịu khó thăm khám thêm, sờ chân
và bắt mạch, sẽ có thể phát hiện ra một bên chân lạnh và tái nhợt, hay
tím hơn bên đối diện, và không sờ thấy mạch nảy ở ngoại biên.
Với các tắc mạch cấp tính tại
các vị trí nguy hiểm khác như tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim làm
người bệnh đau ngực khó thở dữ dội hay đột quỵ, hoặc tắc mạch não gây
yếu liệt nửa người…, làm người bệnh phải đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Riêng với tắc mạch chi cấp tính, cảm nhận đầu tiên của người bệnh chỉ là
cơn đau ở một bên chân, là một triệu chứng hoàn toàn không mang tính
đặc hiệu và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thần kinh xương khớp khác.
Nếu
can thiệp quá muộn, người bệnh sẽ còn phải đối mặt thêm với các biến
chứng nguy hiểm khác: suy thận cấp, nhiễm trùng nhiễm độc, loạn nhịp
tim… và có thể dẫn đến tử vong. Trong quá trình đó, cơ
hội để giữ lại chi kịp thời chỉ có vỏn vẹn khoảng 6 tiếng đầu. Sau 24
tiếng, cuộc chiến để giành giật lại phần chi bị tắc mạch và tránh cho
các biến chứng xảy ra sẽ trở nên rất cam go, bác sĩ Long cho biết.
Các triệu chứng tắc mạch chi cấp tính:
- Đau đột ngột
- Dị cảm hay giảm hoặc mất cảm giác
- Sờ thấy lạnh một bên chân
- Tím tái
- Yếu hoặc liệt chi
Theo bác sĩ Long, nếu bệnh nhân
hội đủ 3 trong nhóm 5 triệu chứng trên và kèm theo giảm hay mất mạch
một bên, thì cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Lưu ý, các trường hợp rối loạn
nhịp tim (thường nhất là rung nhĩ loạn nhịp hoàn toàn, hẹp hở van hai
lá…) nếu không được điều trị tốt và kháng đông hợp lý sẽ là điều kiện
thuận lợi tạo lập cục huyết khối gây thuyên tắc mạch.
Tuổi tác và thời gian làm xơ
vữa và thoái hóa thành mạch máu, làm mất tính trơn láng của lòng mạch.
Càng lớn tuổi, tình trạng xơ vữa động mạch càng nặng hơn, càng có nguy
cơ tạo huyết khối tại chỗ. Bệnh xơ vữa động mạch sẽ làm cho lòng mạch
ngày càng hẹp lại dần, hoặc làm cho thành mạch bị suy yếu gây phình mạch
và bóc tách. Những vị trí hẹp tắc hay phình to gây rối loạn huyết động
sẽ là những điểm thuận lợi để tạo lập cục máu đông tại chỗ hoặc làm
nghẽn các cục máu đông nhỏ tại các nơi khác trôi đến gây ra tắc mạch
cấp.
Do
đó, bác sĩ Long đưa ra lời khuyên, những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ
cao như lớn tuổi, cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, rối
loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều, rung nhĩ loạn nhịp tim, rối loạn
đông máu, cắt lách… nên đi tầm soát bệnh động mạch ngoại
biên, tư vấn khám chuyên khoa và làm siêu âm mạch máu định kỳ để phát
hiện các thương tổn hẹp tắc hay phình mạch máu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét