Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt
DS. Huỳnh Thị Kim Hằng
Khoa Dược - BV Từ Dũ

Phân tích bệnh lý

Vào kỳ kinh, khi lượng, máu, chất của máu kinh khác thường đều được xem là rối loạn kinh nguyệt. Chu kỳ kinh bình thường khoảng 25 -35 ngày, kỳ kinh dài từ 1 – 6 ngày, nếu đến trễ hoặc sớm khoảng 7 ngày vẫn là bình thường, nếu vượt quá thì y văn gọi là “kinh đến sớm” và “kinh đến muộn”.
Theo Đông y, nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt là vì nội thương, ăn uống không điều độ, thể chất hư nhược, ngủ thức không theo quy luật sinh học của cơ thể, rối loạn chức năng gan, tỳ, thận. Vì vậy trị chứng rối loạn kinh nguyệt trước tiên phải điều chỉnh khí huyết, cân bằng tạng phủ.
Biểu hiện lâm sàng và mối nguy hại
Biểu hiện lâm sàng của rối loạn kinh là kinh nguyệt đến sớm hay trễ, không đều, lượng máu quá ít hoặc quá nhiều. Rối loạn kinh nguyệt dễ gây bệnh khí hư và thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa của phụ nữ.
Nguyên tắc dưỡng sinh
Có bốn loại rối loạn kinh nguyệt là: Thực nhiệt, gan nhiệt, khí hư và hư nhiệt. Điều trị bằng những thuốc khác nhau với nhiều hình thức nhưng cách tốt nhất vẫn là liệu pháp ăn uống các món canh thích hợp với tình trạng của mình rất có ích cho sức khỏe.
Theo Trung y, bệnh rối loạn kinh nguyệt thuộc loại huyết ứ. Trong kỳ kinh nếu đau bụng hay máu vón cục, có thể dùng những món canh có tính hoạt huyết để thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện hiện tượng huyết khối hay máu kinh vón cục…
Thức ăn nên dùng
Sơn tra, củ sen, đường đỏ, gà ác, a giao, nấm mèo (mộc nhĩ), thịt hàu, bồ câu sữa, hải sâm.
Ảnh từ Internet
Mách nhỏ
Tập thể dục, lao động chân tay hợp lý để tăng cường thể chất, cải thiện tuần hoàn nhưng không vận động quá mạnh vào kỳ kinh mà nên nghỉ ngơi. Bài tập dưỡng sinh: quỳ trên giường, khom người, ép ngực xuống, cánh tay đưa lên. Bài tập này giúp máu kinh tống ra ngoài, tránh khoang chậu bị ứ máu.
Giới thiệu những món canh trị rối loạn kinh nguyệt
  1. Canh đơn sâm nấu gan heo
Nguyên liệu: Gan heo 350g, đơn sâm 50g, cải dầu 70g, hành, gia vị (rượu vàng, muối, bột ngọt).

Cách làm: Gan rửa sạch luộc vớt ra rửa lại, cải rửa sạch. Cho đơn sâm vào nồi nấu sôi lửa lớn trong 20 phút, cho gan heo, hành, rượu vàng, nấu tiếp 15 phút rồi cho cải vào 5 phút nêm lại nhắc xuống.

Công dụng: Đơn sâm vị đắng tính hơi hàn, quy, can, kinh nên thanh tâm trừ phiền, trị rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, đau bụng kinh. Gan heo bổ huyết nên món canh này có tác dụng điều kinh chỉ huyết, ích khí dưỡng huyết .
2. Canh đơn quy nấu hồng hoa, sơn dượcNguyên liệu: Sơn dược 120g, gà mái 1 con, xích thược 18g, đương quy 15g, hồng hoa 5g, gừng và câu kỷ tử 1 ít, gia vị (rượu vàng, muối, hạt nêm gà)

Cách làm: Gà làm sạch để ráo, xích thược, đương quy, hồng hoa ngâm nước nửa ngày, cho vào  túi vải cột lại bỏ vào bụng con gà. Sơn dược ngâm nước ½ ngày cho vào bụng gà cùng gừng và hạt câu kỷ tử. Cho gà vào rượu vàng vào nồi sành, thêm muối nấu lửa nhỏ trong 2 giờ vớt bỏ túi thuốc, cho hạt nêm là ăn được.

Công dụng: Xích thược vị đắng tính hơi hàn có công dụng thanh nhiệt mát máu, hoạt huyết  hóa ứ, tiêu thũng, chỉ thống, ức chế sự tích tụ của huyết bản, phòng nghẽn máu, trị các bệnh mạch vành, đau thắt tim, nghẽn máu não. Đương quy, hồng hoa có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, gừng trừ hàn chỉ thống, sơn dược, thịt gà bổ hư lao, tư bổ ngũ tạng. Canh này rất tốt cho người rối loạn kinh nguyệt. 
3. Canh đậu phộng, sơn dược nấu thịt heoNguyên liệu: Hạt câu kỷ tử 20g, sơn dược 150g, thịt nạc heo 150g, đậu phộng 60g, sinh địa  hoàng 12g thục địa hoàng 12g, hành, gia vị.

Cách làm: Hạt câu kỷ tử, sinh địa hoàng và thục địa, đậu phộng, rửa sạch ngâm nước 1 giờ sơn dược gọt vỏ cắt miếng, Cho tất cả vào nồi sành cùng nước ngâm các loại nấu sôi, hớt bọt, nấu thêm 1 giờ cho hạt câu kỷ tử vào nấu 10 phút, nêm vừa ăn, bỏ hành. Nấu thêm 5 phút là được.

Công dụng: Canh này thích hợp người mắc kinh sớm, bổ thận ích tinh, mát máu thanh hỏa, chỉ huyết (lớp vỏ lụa đỏ của đậu phộng), nâng cao tác dụng đông máu của huyết bản, phòng ngừa ra nhiều máu. 
4. Canh mực nấu cải dầuNguyên liệu: Cải dầu 200g, ớt đỏ 2 quả, mực 200g. Gia vị (2 thìa lớn nước sốt, rượu thơm 1 thìa lớn, muối, nước dùng.

Cách làm: Cải và mực làm sạch, ớt cắt miếng. Nấu nước dùng sôi cho tất cả vào nấu sôi với lửa lớn trong 5 phút.

Công dụng: Mực giàu protein tốt, nhiều vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể, chủ trị bế kinh, huyết khô của phụ nữ. Mực còn có tác dụng tư âm dưỡng huyết, ích khí cường gân, hỗ trợ điều trị các chứng tử cung chảy máu, đường tiêu hóa chảy máu,  lao phổi ho ra máu. 
5. Canh táo đỏ nấu thịt nạcNguyên liệu: Thịt nạc 0.5g, táo đỏ 10 quả, gừng 3 miếng, gia vị.

Cách làm: Thịt rửa sạch cắt miếng luộc vớt để ráo, táo bỏ hạt. Nước nấu sôi cho thịt gừng nấu sôi lại cho táo đỏ vào, thịt chín nêm vừa ăn.

Công dụng: Táo đỏ giúp điều hòa nội tiết tố, bổ huyết dưỡng nhan, điều kinh ích khí. Người có lượng máu kinh nhiều, đau bụng kinh nên ăn nhiều táo đỏ sẽ giúp cải thiện  được bệnh.
 
 

6. Canh gân chân bò: Nguyên liệu: Gân chân bò 100g, tục đoạn 15g, kê khuyết đằng 50g, đỗ trọng 15g, hoàng kỳ 20g.

Cách làm: Gân rửa sạch cắt miếng vừa ăn, Kê khuyết đằng, tục đoạn, hoàng kỳ và đỗ trọng rửa sạch cho vào túi vải buộc lại cho vào  nồi đất cùng gân bò, đổ nước vừa nấu sôi 15 phút (lửa lớn), sau đó cho lửa nhỏ hầm 1 giờ, nêm lại vừa ăn.
Công dụng: Ích khí hành huyết, hoạt huyết khử ứ,  thông lạc chỉ đau, rất thích hợp với người hành kinh đau mình do đới mạch hư nhược.  
7. Canh xương dê dại táo:Nguyên liệu: Xương cổ dê 500g, đại táo 100g, gia vị.

Cách làm: Xương rửa sạch, chặt miếng vừa cho vào nồi đất, đổ vừa nước, nấu sôi sau đó vặn lửa nhỏ thêm đại táo đã rửa sạch hầm thêm 2 giờ.

Công dụng: Bổ thận kiện tỳ, ích tủy sinh huyết thích hợp với chứng hành kinh chóng mặt. 
8. Giò heo hầm đậu:Nguyên liệu: Giò heo 1 cái, đậu phộng 50g, đậu đen 30g, rượu, hành, gia vị.
Cách làm: Đậu đen, đậu phộng rửa sạch ngâm mềm, Giò heo làm sạch cho vào nồi đất, thêm hai loại đậu đã ngâm mềm vào, cho nước và  chút đường, hành, gừng, muối nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ nấu đến khi giò heo mềm.
Công dụng: Nhuận phế tư âm, điều kinh chỉ huyết rất  thích hợp với người hành kinh thổ huyết. 
9. Canh củ sen nấu sườn:Nguyên liệu: Sườn heo 300g, củ sen 150g, đậu phộng 50g,  táo đỏ 10 quả, gừng 1 miếng. Gia vị (muối, hạt nêm, rượu thơm)

Cách làm: Tất cả rửa sạch, sườn chặt miếng vừa, củ sen gọt vỏ cắt miếng, gừng xắt sợi. Nước sôi cho sườn nấu lửa vừa vớt bọt, cho củ sen, đậu, táo, gừng, rượu hầm 2,5 giờ, nêm vừa ăn nấu sôi lại 5 phút với lửa lớn, nhắc xuống.

Công dụng: Củ sen chứa hàm lượng sắt cao có tác dụng trị chứng thiếu máu do thiếu sắt. Người kinh nguyệt quá nhiều, kéo dài, màu đỏ nhạt hoặc răng chảy máu, xuất huyết dưới da khi hành kinh nên ăn nhiều canh này sẽ giảm được triệu chứng trên. Món canh này là lựa chọn tốt nhất cho người kinh nguyệt rối loạn. 
10. Gà ác hầm a giao:Nguyên liệu: gà ác 250g, sâm cao ly 10g, a giao 12g, gia vị.

Cách làm: Gà rửa sạch chặt miếng, sâm cao ly bỏ cuống cắt miếng, a giao đập giập. Cho tất cả vào nồi hấp cách thủy trong 2 giờ, nêm muối vừa ăn.

Công dụng: Theo Đông y, a giao mềm vị ngọt, tính bình, vừa bổ huyết chỉ huyết vừa tư âm nhuận phế, là thực phẩm bồi bổ lý tưởng cho người rối loạn kinh nguyệt, điều trị huyết hư, chóng mặt, tim đập nhanh, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, phế âm bất  túc, phế táo ho khan, đờm ít ho ra máu, hư hỏa thượng viêm.
11. Canh bì heo chỉ huyết:Nguyên liệu: Da heo 150g, rượu nếp 30g, đường đỏ 30g.

Cách làm: Da heo rửa sạch cắt miếng, bỏ vào nồi đất thêm nước nấu sôi rồi hầm lửa nhỏ trong 2 giờ cho da heo mềm thêm đường đỏ vào quấy đều.

Công dụng: Tư âm dưỡng huyết, hóa mạch chỉ huyết thích hợp với chứng hành kinh thổ huyết. 
12. Gà ác hầm đậu đỏ: Nguyên liệu: gà ác 1 con, đậu đỏ 300g, rượu nếp 15g, đường trắng.
Cách làm: Gà làm sạch để ráo chặt miếng. Lấy âu sứ lớn bỏ ½ đậu đỏ vào, xếp gà lên trên, cho tiếp phần đậu còn lại và xếp nốt thịt gà lên, lòng gà, thêm rượu trắng  và đường nấu cách thủy trong 3 giờ.

Công dụng: Bổ ích tỳ thận, thích hợp với người bị chứng hành kinh phù thũng. Dùng mỗi ngày chia làm 4 – 5 lần ăn hết trong ngày. 
13. Gà ác hầm mã thầy đậu đỏ:Nguyên liệu: gà ác nửa con, đậu đỏ 50g, táo đỏ 5 quả, mã thầy (củ năn), hành củ, gừng, gia vị (rượu thơm, nước dùng, muối, tiêu, bột ngọt)

Cách làm: Đậu đỏ ngâm nước ấm, gà ác chặt miếng, mã thầy, gừng gọt vỏ, hành cắt lát. Nước sôi cho gà ác vào nấu 3 phút vớt ra, cho tất cả nguyên liệu vào, rượu, tiêu vào nồi đậy nắp nấu sôi với lửa vừa rồi cho gà ác vào hầm nhỏ lửa trong 2 giờ nêm vừa ăn, cho hành nấu thêm 15 phút.

Công dụng: Món canh này có công dụng kiện tỳ ích vị, lợi tiểu tiêu thũng, bổ huyết. Gà ác giúp bổ xung khí huyết, tư bổ và điều kinh. Những người kinh nguyệt rối loạn nên ăn canh này thường xuyên.

&
Tài liệu tham khảo:
- 1000 Món canh dưỡng sinh trị bệnh  - Nhà XB Mỹ Thuật 2010
- 500 Bài thuốc Đông Y gia truyền trị bách bệnh, NXB Từ điển bách khoa 2010
- 600 Món ăn từ thịt trị bệnh, NXB Tổng hợp TP HCM, 2010
- Bách khoa Y học thường thức trong gia đình - 2007

Tư liệu ảnh:
-  tapchithoitrang.wordpress.com
- tapchiamthuc.vn; webphunu.net; phunutoday.  com
- teenchuse.vn; dailyinfo.vn
- blog.yume.vn
- baodatviet.vn; mobi.vietbao.vn; 5giay.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét